Dành cho Cơ quan, Doanh nghiệp

Trang chủ  Giới thiệu  Đoàn đại biểu Quốc hội
CHÂN DUNG VÀ TIỂU SỬ TÓM TẮT CÁC VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA X

Khóa X

Đại biểu Ngô Yên Thi

 

Năm sinh: 15/6/1945

Quê quán: phường Thủy Dương, thị xã  Hương Thủy, Thừa Thiên Huế

Ông bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1965, hoạt động hợp pháp và bán hợp pháp trong lực lượng Thanh niên, sinh viên, học sinh Huế. Từ tháng 10/1967 ở trong Ban cán sự Đại học Huế. Tham gia chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968). Sau đó về làm Chánh Văn phòng Quận ủy quận Tả Ngạn Thành phố Huế.Tháng 3/1969 - 10/1970, được cử đi học chính trị tại trường Đảng Quân khu rồi về công tác tại Ban Dân vận Thừa Thiên. Tháng 10/1970 - 3/1975 đi xây dựng các địa bàn công tác của Thành phố ở phía Nam Thừa Thiên Huế và chỉ đạo các mũi công tác ở các địa bàn.

Tháng 3/1975 - 7/1977, Ông là Thành ủy viên, Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy. Tháng 7/1977 - 6/1979, Ông được cử đi học chính trị ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc TW. Tháng 7/1979 - 1/1981 là Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, Hiệu trưởng trường Đảng Thành phố Huế.

Tháng 1/1981 - 8/1986, Ông là Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Trị Thiên; Đại biểu HĐND tỉnh Khóa III và là Ủy viên BCH TW Đoàn Khóa IV.

Năm 1987-1989, Ông tham gia Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên Khóa IV, làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế rồi Bí thư Thành ủy Huế khóa IV (1987).Tháng 7/1989, Ông tiếp tục tham gia Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Bí thư Thành ủy Huế khóa V.

Năm 1992-1994, Ông là UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Ủy viên Thường vụ Trực Đảng, kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Tháng 12/1994, Ông được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh Thừa Thiên Huế  Khóa III (nhiệm kỳ 1994-1999).

Từ tháng 5/1996, Ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (khóa XI). UVBCH TW Đảng khóa VIII. Đại biểu Quốc hội khóa X. Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tháng 8/2001 ông được điều động và bổ nhiệm làm Phó trưởng ban rồi Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ.


 

Đại biểu Phạm Huy Chưởng

 

Năm sinh:  10/8/1944

Quê quán:  xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông gia nhập quân đội từ tháng 2/1965 ở đơn vị Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 929. Từ năm 1965 đến 1972 Ông đã tham gia chiến đấu và trưởng thành từ chiến sĩ lên đến vị trí  Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 929.

Tháng 3/1972 - 11/1973 Ông lần lượt kinh qua các chức vụTiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 8; Tham mưu Phó Trung đoàn 8; Trung đoàn Phó Trung đoàn 8 (Kiêm Tham mưu trưởng)

Tháng 12/1973 - 4/1974 Ông được cử đi học bổ túc cán bộ trung đoàn tại Học viện Trung Cao.

Tháng 5/1974 - 11/1976 Ông được đề bạt làm Trung đoàn phó rồi Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 3, F 324.

Tháng 12/1976- 8/1978 Ông là Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 324, Quân khu 4.

Tháng 9/1978 - 6/1980 Ông được cử đi học tại Học viện quân sự Cấp cao.

Tháng 7/1981- 8/1981 Ông được đề bạt làm Sư đoàn phó Sư đoàn 348. Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn 348.

Tháng 9/1981- 1/1992 Ông là Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 968, Ủy viên Thường vụ; Sư đoàn Trưởng  Sư đoàn 968. Phó Bí thư Đảng ủy, Đảng ủy viên Quân khu.

Tháng 2/1992 Ông được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và được phong hàm Thiếu tướng. Một thời gian sau, ông được điều động làm Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng quân khu IV cho đến khi nghỉ hưu.

Ông là đại biểu Quốc hội Khóa X, ứng cử trên địa bàn Thừa Thiên Huế.


 

Đại biểu Nguyễn Khoa Điềm

 

 

Năm sinh:  15/ 4/1943

Quê quán:  phường Thuỷ An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 1955, Ông ra Bắc học tại trường học sinh miền Nam và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964. Sau đó, Ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội; xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau giải phóng miền Nam năm 1975, Ông tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản; Bí thư Thành đoàn Huế; Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương; Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Trưởng ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế. Ông tham gia trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III.

Năm 1993 Ông được điều động làm Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin. Năm 1995, Ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.

Năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, Ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Từ tháng 11 năm 1996, Ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.

Năm 2001, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX, Ông Nguyễn Khoa Điềm trở thành ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006).

Sau khi nghỉ hưu, Ông về sống tại Thành phố Huế.

Ông là đại biểu Quốc hội các Khoá X và Khóa XI, ứng cử trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

 

 


 

Đại biểu Trần Xuân Giá

 

 

Năm sinh:  24/4/1939

Quê quán:  xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế quốc dân Plekhanob (Moscow) ông về làm giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và đến 1977 là Chủ nhiệm khoa Vật giá, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Năm 1975, Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kinh tế tại Đại học kinh tế quốc dân Plekhanob (Moscow)

Từ năm1981-1995,Ông đã kinh qua các chức vụ như Phó Chủ nhiệm (Thứ trưởng) Ủy ban Vật giá Nhà nước (1981); Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (1989); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1992); Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1995).

Từ 1997-2002,Ông là đại biểu Quốc hội khóa X và giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ 11/1996 đến 8/2002

Sau khi hoàn thành xuất sắc vai trò Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhiều dấu ấn quan trọng ghi dấu trong nền kinh tế, năm 2003, Ông được bổ nhiệm vào cương vị Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, giúp việc cho Thủ tướng Phan Văn Khải. Trên cương vị này, ông cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, ban hành các chính sách kinh tế và điều hành trực tiếp nền kinh tế có tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới lúc ấy.

Ông là đại biểu Quốc hội Khóa X, ứng cử tại địa bàn Thừa Thiên Huế.

 

 

 


 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng

 

Năm sinh:  27/7/1959

Quê quán:  xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ năm 1980, Bà công tác tại trường cấp 2-3 An Lương Đông, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến năm 1983, Bà giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường cấp 2 -3 Lộc Trì và là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 1987 đến 1993,Bà là Phó Trưởng phòng Giáo dục, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện, Phó Bí thư Chi bộ Phòng Giáo dục huyện Phú Lộc; sau đó bà được bầu làm Phó Chủ tịch; Quyền Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đến năm 1997, Bà là Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Khóa VIII, Ủy viên Ban Cán sự Đảng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế: đại biểu Quốc hội khoá X.

Từ tháng 11/2000, Bà giữ chức Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế; Đảng ủy viên Đảng ủy Dân chính Đảng tỉnh Thừa Thiên Huế; Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Từ năm 2002, Bà là đại biểu Quốc hội khoá XI, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Từ năm 2007, Bà được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và giữ cương vị Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam các Khóa IX,X,XI.

Bà là đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII, ứng cử trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

 

 


 

Đại biểu Hoà thượng Thích Thiện Siêu

(1921-2001)

 

Năm sinh: 15/7/1921

Quê quán: xã Thủy Châu, huyện Hương Thủy , Thừa Thiên Huế

Hòa Thượng tên thật là Võ Trọng Tường. Năm 14 tuổi, Hoà thượng xuất gia học Phật pháp tại chùa Trúc Lâm - Huế.

Năm 1947, Hòa thượng được Giáo hội cử làm Trú trì Tổ đình Từ Đàm – Huế và giảng dạy cho Tăng Ni ở Phật học đường Báo Quốc và Ni viện Diệu Đức – Huế.

Năm 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm triệt hạ cờ Phật giáo và vụ thảm sát ở Đài phát thanh Huế xảy ra, Hoà thượng đại diện cho Phật giáo Thừa Thiên ký vào Kiến nghị 5 điều phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Đêm 20/8/1963, Hòa thượng bị bắt giam tại Ty Công an Thừa Thiên, cho đến khi chính quyền Diệm bị lật đổ, Hòa thượng mới được trả tự do.

 Năm 1964-1974, Hoà thượng được mời làm Phó đại diện Phật giáo miền Vạn Hạnh; điều hành và giảng dạy lớp Cao đẳng Phật học chuyên khoa Liễu Quán tại chùa Linh Quang – Huế; đồng thời Hòa thượng còn được mời giảng dạy cho các tòng lâm ở nhiều nơi khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Nguyên và Sài Gòn...

Năm 1981, Hòa thượng được cử làm Trưởng phái đoàn, đại diện cho GHPGVN Thống nhất dự Đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Trong Đại hội này, Hoà thượng  được suy cử chức vụ Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN.

Năm 1984, Hoà thượng được cung cử  vào chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự  GHPGVN.

Năm 1988, khi Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được thành lập, Hoà thượng được suy cử làm Phó Viện trưởng.  Năm 1997, Hòa Thượng được Giáo hội cung cử làm Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế. 

Hoà thượng là đại biểu Quốc hội liên tiếp 03 Khoá VIII, IX và X, ứng cử trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Hòa thượng mất năm 2001 tại Tổ đình Từ Đàm-Huế.

 Bản in]