Đó là đề nghị của Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu. “Lưu trữ dự phòng được thực hiện đối với tài liệu có giá trị đặc biệt, tài liệu lưu trữ vĩnh viễn có nguy cơ bị hư hỏng nặng. Như vậy, công tác lưu trữ dự phòng không kém phần quan trọng so với công tác lưu trữ lịch sử. Tuy nhiên, ở khoản 4, Điều 22 lại không xác định cụ thể cơ quan quản lý lưu trữ dự phòng; hiện đang quy định chung là cơ quan quản lý lưu trữ tài liệu, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung”, bà Sửu nêu ý kiến.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Tại phiên thảo luận này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý của ban soạn thảo và báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đóng góp ý kiến liên quan giải thích từ ngữ về tài liệu lưu trữ ở khoản 5, Điều 2 của dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị, hạn định tài liệu đưa vào lưu trữ từ hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng thuộc các chế độ chính trị xã hội bằng cách bổ sung cụm từ “lựa chọn để” ngay trước vế câu “lưu trữ theo quy định của luật này và các luật khác có liên quan".
Lý do bà Sửu đưa ra là, không phải tài liệu nào hình thành trong hoạt động của các chủ thể nói trên, nhất là các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng cũng được đưa vào lưu trữ. Đối với nhan đề ở Điều 19, bà Sửu cho rằng, cần điều chỉnh từ “thu nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử” thành “quyền và trách nhiệm thu nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử”; qua đó, thể hiện rõ tính liền mạch về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức được nhắc đến ở Điều 18 và cũng đúng với nội hàm của Điều 19.
Về hình thức thẩm quyền cho phép sử dụng tài liệu tại khoản 2, Điều 23, đại biểu Nguyễn Thị Sửu mong muốn ban soạn thảo nghiên cứu, thay từ “xác thực” bằng từ “chứng thực” để đúng với chức năng, nhiệm vụ lưu trữ lịch sử quy định. “Lưu trữ lịch sử là cơ quan có nhiệm vụ chứng thực tài liệu lưu trữ, là nơi cung cấp chứng cứ làm bằng chứng quá khứ. Lưu trữ lịch sử không chỉ chứng thực tài liệu lưu trữ mà còn chứng thực hồ sơ lưu trữ của các cơ quan, tổ chức nộp lưu theo quy định để cung cấp thông tin pháp lý làm bằng chứng cho các hoạt động giao dịch và điều này cũng thống nhất các quy định về chứng thực tại Nghị định 23, ban hành ngày 26/2/2015 của Chính phủ”, bà Sửu nhấn mạnh.
|
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý |
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo luật bao gồm: Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; lưu trữ tài liệu điện tử; hoạt động dịch vụ lưu trữ; bổ sung quy định về ngày lưu trữ Việt Nam; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp này đã được Chính phủ có văn bản nhất trí với những nội dung đã tiếp thu, giải trình. Các ý kiến của các vị ĐBQH, ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa và giải trình cụ thể thể hiện trong báo cáo đầy đủ. Đồng thời, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; đối với tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các hội, tổ chức xã hội khác là tài liệu lưu trữ tư, thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.
Trước đó, trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều, bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.
Theo https://baothuathienhue.vn